Khám phá làng Đắk Răng của đồng bào dân tộc Giẻ-Triêng ở Ngọc Hồi – Kon Tum
Từ thị trấn Plei Kần, dọc theo Quốc lộ 14 về hướng Bắc khoảng chừng 18 km tới địa phận làng Đắk Răng thuộc xã Đắk Dục, huyện Ngọc Hồi để thăm làng Đắk Răng, đường vào làng đa số được đổ bê tông nên du khách có thể tham quan bằng phương tiện ô tô. Làng Đắk Răng được biết đến như một địa điểm tham quan hấp dẫn với những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Giẻ-Triêng còn lưu giữ đến ngày nay.
Hiện nay, diện tích làng Đắk Răng khoảng 100 ha với khoảng 200 hộ gia đình và hầu hết là đồng bào dân tộc Giẻ-Triêng.
So với các làng khác đóng trên địa bàn xã Đắk Dục có thể nói làng Đắk Răng là một làng văn hóa lâu đời còn lưu giữ nhiều lễ hội cũng như ngành nghề thủ công truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc nhất. Đặc biệt làng có những đoàn nghệ nhân nổi tiếng tham gia các lễ hội truyền thống trong và ngoài tỉnh, tại đây có thể thấy được quá trình chế tác các nhạc cụ truyền thống như: đàn Đinh tút, Ting Ning, sáo, ta-len, ta-lét, bìn, oòng-enh, pin-pui, Pờ-Rưn, Tơ-rưng dưới bàn tay khéo léo của các nghệ nhân nổi tiếng như: Blong Vẻ hay còn có tên gọi khác là A Vẻ, Blong Vương. Dưới bàn tay khéo léo của các cô gái Giẻ-Triêng tạo nên những trang phục truyền thống hay tấm choàng… Hoa văn và màu sắc được tạo ra trong sản phẩm dệt đã tạo nên sắc thái riêng biệt trong trang phục của người Giẻ-Triêng, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày, ngày trước thì họ dùng để trao đổi hàng hóa.
Nhà sàn của người Giẻ-Triêng thường được dựng trên nền đất hình chữ nhật, sàn thường cách mặt đất từ 0,8 – 1m. Thông thường, ngôi nhà có chiều dài khoảng 15m, chiều rộng từ 6 – 10m. Diện tích ngôi nhà lớn hay nhỏ phụ thuộc vào số thế hệ và số thành viên sống trong gia đình.
Thành phần chính để cấu tạo nên một sườn nhà của người Giẻ-Triêng cũng giống như người Kinh, gồm: cột, xuyên, trính, vì kèo, đòn tay, đòn dông… nhưng hình dáng, vị trí và kết cấu của từng bộ phận thì hoàn toàn khác nhau, thể hiện nét văn hóa độc đáo vừa truyền thống vừa tinh tế của cộng đồng. Để làm hoàn thành một ngôi nhà, đồng bào nơi đây phải sử dụng ít nhất 200 đến 250 bó tranh lợp (mỗi bó gồm nhiều mớ, nặng khoảng 20kg) và trên dưới 20m3 gỗ.
Mái nhà hình mai rùa, hai đầu đốc được trang trí bằng hai sừng trâu là hai nét đặc trưng trong kiến trúc nhà sàn của người Giẻ-Triêng. Nhà sàn dài của người Giẻ-Triêng cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt còn có hình thức như: giữa là một hành lang dùng làm lối đi, hai bên là nơi dành cho các hộ gia đình. Trang trí và sắp đặt các vật dụng sinh hoạt trong một ngôi nhà truyền thống của người Triêng luôn tuân thủ nghiêm ngặt theo nguyên lý “Đông-Tây”. Đồng bào quan niệm hướng Đông là hướng quan trọng nhất (là hướng gốc). Theo quan niệm của họ, hướng Đông gắn liền với ánh nắng mặt trời toả đi khắp các hướng khác sưởi ấm cho các thần linh, vạn vật của núi rừng để cây cối hoa màu luôn tốt tươi, tạo ra của cải dồi dào, đem lại hạnh phúc cho mọi người dân.
Theo truyền thống, nam giới người Giẻ-Triêng để tóc ngắn hoặc đội khăn chàm theo lối chữ nhất trên đầu, có xâu lỗ tai, đeo hoa tai bằng gỗ quý, bằng tre ngà hoặc bằng ngà voi và xăm mình với những đường nét hoa văn hình học khá đơn giản. Ngoài ra đàn ông Giẻ-Triêng còn mặc khố, ở trần, trời lạnh thì mặc thêm tấm áo, khoác ngoài chéo qua vai, màu chàm có các sọc trang trí.
Khố của người Giẻ-Triêng là loại khổ hẹp, dài không có tua, thân và các mép khố được viền và trang trí hoa văn ở hai đầu trên nền chàm. Nam cũng đeo vòng cổ, vòng ngoài khố mang chuỗi hạt vòng. Trong các dịp lễ, tết, họ mang thêm tấm choàng rộng màu chàm có các sắc màu trang trí phủ kín thân.
Trong khi đó, phụ nữ Giẻ-Triêng thường để tóc dài, quấn sau gáy. Họ không mang áo mà mang loại váy dài cao sát nách. Đây là loại váy ống tương đối dài rộng. Đầu váy giữa thân và gấu váy được trang trí các sọc hoa văn màu đỏ trên nền chàm. Lối mặc có tính chất vừa váy, vừa áo này là một đặc điểm rất khác biệt của phụ nữ Giẻ-Triêng ít gặp ở các dân tộc khác từ Bắc vào Nam, rất cổ truyền và cũng không kém phần hiện đại. Đây cũng là một lý do trang phục Giẻ-Triêng được chọn vào “Làng văn hóa các dân tộc” và tham gia vào các cuộc thi “Trang phục dân tộc”. Cũng như nhiều dân tộc khác, phụ nữ Giẻ-Triêng làm đẹp bằng nhiều loại trang sức như vòng bạc, đồng, chuỗi cườm, đeo cổ tay, chân và tai. Đối với tầng lớp phụ nữ khá giả, họ thường đeo hoa tai bằng ngà voi.
Ngày nay, quá trình phát triển kinh tế đã ảnh hưởng tới trang phục truyền thống của đồng bào Giẻ-Triêng, đặc biệt là trang phục của người Việt (dân tộc Kinh) đã thâm nhập đến tận các làng bản xa xuôi hẻo lánh. Trong sinh hoạt đời thường, người dân tộc Giẻ-Triêng ăn mặc đơn giản nhưng trong các dịp lễ hội quan trọng, trang phục cổ truyền vẫn được họ trình diễn và ưa chuộng.
Lễ ăn trâu là lễ hội lớn của dân tộc Giẻ-Triêng nói riêng và đồng bào Tây Nguyên nói chung, các nghi thức diễn ra trong lễ hội chứa đựng khát vọng về cuộc sống ấm no, thịnh vượng, mùa màng bội thu không những vậy nó còn thể hiện tính cộng đồng rõ nét, đặc trưng văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Lễ mừng năm mới được tổ chức hàng năm vào tháng 12 âm lịch những người trong nhà dậy sớm, chủ nhà làm gà và ché rượu cần để cúng Giàng đã phù hộ cho gia đình một năm yên bình và cầu mong Giàng phù hộ một năm mới nhiều may mắn. Sau đó, tập trung cả gia đình lại, cùng ăn bữa cơm đầu năm rồi lần lượt đi thăm từng gia đình trong làng. Lễ mừng năm mới phát huy tinh thần đoàn kết của cộng đồng làng, các thành viên trong làng đi xa có dịp để quay về làng. Lưu giữ bản sắc văn hóa của cộng đồng làng và tính dân tộc. Năm mới với những hy vọng mới, niềm vui mới bắt đầu.
Với những nét văn hóa đậm chất dân tộc nêu trên, hy vọng rằng làng Đắk Răng sẽ trở thành địa điểm văn hoá thu hút được nhiều du khách đến nghiên cứu, tìm hiểu và tham quan.