Các món quà nên mua khi du lịch biển Thanh Hóa
Thanh hóa không chỉ nổi tiếng với những bãi biển đẹp kéo dài vô tận mà nó còn nổi tiếng với ẩm thực phong phú, đa dạng với chất lượng không thể chê được.
Có lẽ quý khách sẽ hơi băn khoăn khi lựa chọn quà để tặng bạn bè, người thân sau hi đi du lịch sầm sơn, du lịch hải hòa,…. Bài viết này sẽ giúp các bạn giải quyết vấn đề đó một cách đơn giản.
Quả thật, không khó để lựa chọn ra được những đặc sản ngon nhất vùng biển xứ Thanh và đứng đầu trong danh sách đó chắc chắn la:
Nem chua Thanh Hóa
Nem chua được làm ở khá nhiều nơi nhưng chỉ có ở mảnh đất xứ Thanh này ta mới tìm được hương vị tuyệt vời nhất. Nem xứ Thanh vừa chua, vừa cay lại có cả vị mặn mà của gia vị ớt, tỏi, hạt tiêu lại có vị ngọt của thịt làm ta cứ muốn thưởng thức mãi chẳng muốn dừng.
Làm nem chua không khó nhưng để món nem ngon, đặc trưng thì lại cần có bí quyết của người làm và chắc chắn, với người Thanh, thứ bí quyết ấy đã làm nên niềm tự hào của ẩm thực nơi đây. Nguyên liệu làm nem chua chủ yếu bao gồm thịt nạc xay nhuyễn; bì lợn luộc chín, cạo thật sạch, lạng mỏng bỏ vào máy cán thành sợi, ngắn chừng 3cm; thính là gạo tẻ rang vàng, xay nhỏ mịn. Gia giảm còn có men, tiêu bắc, muối tinh và bột ngọt, ớt, tỏi tươi, lá đinh lăng vừa đủ…
Tiếp đến là Bánh răng bừa
Nghe cái tên thật lạ thật hay mà hương vị của nó cũng thật thơm ngon, thú vị. Bánh răng bừa (có nơi gọi là bánh tẻ hoặc bánh lá), riêng người Thanh Hóa gọi tên như thế vì hình dạng chiếc bánh trông giống cái răng bừa. Đây là loại bánh truyền thống của người xứ Thanh thường được làm vào ngày rằm, ngày giỗ, ngày Tết Nguyên đán hay những khi nhà có công việc.
Nguyên liệu làm bánh răng bừa chính là gạo tẻ. Khi làm, người ta phải chọn loại gạo dẻo, thơm ngâm nước khoảng 3 – 4 giờ sau đó đem xay thành bột cùng với nước. Bột được xay xong cho lên bếp khuấy, trong quá trình này phải chú ý tay khuấy đũa liên tục sao cho bột không bị vón cục và cũng không quá chín, đây là công đoạn đòi hỏi người làm bánh phải thật khéo léo. Khi thấy nồi bột gạo có độ đặc sền sệt thì ta bắc xuống bếp, chuẩn bị công đoạn gói bánh. Lá dong hay lá chuối thường được dùng để gói bánh.
Còn nhân bánh là tổng hòa của các hương vị từ hành khô, mộc nhĩ, thịt ba chỉ, hạt tiêu, gia vị.
Khi những chiếc bánh thon dài được gói xong sẽ được đem hấp hoặc luộc tới khi chín cho đến lúc mùi thơm của thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hạt tiêu hòa với mùi bột gạo tỏa ra mùi thơm ngào ngạt căn bếp nhỏ, cũng là lúc báo hiệu bánh chín.
Bánh răng bừa nóng hổi, cùng lớp bột tẻ mềm, mịn trắng pha lẫn chút màu xanh của lá với phần nhân hành thịt thơm nức mũi chấm chìm vào nước pha loãng rồi chậm rãi cho lên miệng thưởng thức. Có lẽ, lúc ấy bạn sẽ cảm nhận được bao nhiêu tinh hoa của đất, của trời được tích tụ trong chiếc bánh.
Cua, Ghẹ biển
sản phẩm đặc trưng của vùng biển Sầm Sơn đã từ lâu nổi tiếng và được Du khách trong và ngoài nước ưa thích. Cua biển Sầm Sơn có vị ngon đặc biệt khác với các vùng miền trong toàn quốc. Các khách sạn, nhà hàng ở Sầm Sơn có nhiều cách chế biến các món cua biển như: cua phá xí (hay còn gọi là mộc cua biển), cua rang muối, cua hấp, cua luộc, xúp cua biển … Du khách ngoài việc thưởng thức các món cua biển trong những ngày nghỉ tại Sầm Sơn, khi trở về nhà nên mua cua biển về làm quà tặng người thân, gia đình và bạn bè cũng thật hấp dẫn.
Chè lam Phủ Quảng
Chè lam là một món quà quê giản dị, dân dã mà ở nhiều vùng nước ta đều có. Nhưng có lẽ, nếu một lần thưởng thức món chè lam Phủ Quảng của huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa bạn mới phát hiện ra đây chính là nơi làm ra thứ chè ngon lam ngon nhất.
Chè lam được làm từ gạo nếp, lạc, gừng, mật mía thứ mật thơm ngon, đặc sánh và ngọt ngào.
Gạo nếp sau khi được xay giã đến mức độ vừa phải (không quá trắng) thì được xay nhuyễn còn một phần gạo rang chín đều, lạc rang giã đôi giã ba, gừng tươi đồ chín rồi xắt lát… Tất cả những nguyên liệu ấy được ngào chung trong nồi mật mía vừa được đun sôi sánh óng ngọt lừ.
Khối mật óng ánh đông lại như ôm trọn tất cả các nguyên liệu lại rồi chờ bàn tay người đảo. Từng giọt mật óng vàng tan ra, thấm sâu vào phiến bột trắng ngần, từng hạt nếp cái hoa vàng vừa biến màu trên chảo gang đỏ lửa. Cuối cùng, sản phẩm thu được là thứ chè mềm, thơm, dẻo dẻo hòa quyện chút cay của gừng, và ôm trọn trong vị ngọt ngào của mật mía.Dù đi xa, nhưng những người con Thanh Hóa vẫn luôn nhớ về hương vị dân dã phảng phất thứ khói bếp chắt chiu và nồng đượm đang hòa quyện trong những thanh chè lam bé nhỏ.
Ngoài ra còn có bánh gai tứ trụ, chả tôm Sầm Sơn …