Lễ hội vùng biển xứ Thanh

Là nét văn hoá độc đáo của ngư dân sinh sống trong các làng biển xứ Thanh, tuy với nhiều tên gọi và hình thức tổ chức khác nhau nhưng đều phản ánh khát vọng sinh tồn của những tâm hồn làm bạn với nắng gió mặn mòi nơi trùng dương biển cả… Một mùa hè mới sẽ thi vị hơn khi du khách đến với xứ Thanh – vùng đất có tiềm năng phát triển du lịch biển và khám phá một số lễ hội biển điển hình.

LỄ HỘI LAM KINH – TRUYỀN THỐNG VÀ LỊCH SỬ

Lam Kinh nổi danh là miền đất thiêng gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của vị anh hùng Thái Tổ Cao Hoàng Đế Lê Lợi, vị lãnh tụ tối cao của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công, lãnh đạo nhân dân ta mười năm kháng chiến chống giặc Minh xâm lược( 1418 – 1428) đi đến toàn thắng, giành lại nền độc lập dân tộc. Sau khi lên ngôi Hoàng đế, thi hành chính sự sáng suốt, đất nước cường thịnh, vua Lê Thái Tổ chủ trương cho xây dựng Lam Kinh – Kinh đô thứ hai của triều Lê trên quê hương đất tổ.

lễ hội lam kinh

Lễ hội Lam Kinh truyền thống

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” vào năm Thuận Thiên thứ sáu, tức năm Qúy Sửu tháng tám nhuận, ngày 22 Thái Tổ Cao Hoàng Đế chầu trời. Cùng năm ấy ngày 23 tháng 10 an táng ở Vĩnh Lăng, thuộc đất Lam Sơn. Tưởng nhớ công ơn của người anh hùng dân tộc, các thế hệ ông cha của chúng ta từ ngày xưa đã lấy ngày giỗ của vua Lê Thái Tổ để mở hội nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc trong sự nghiệp giữ nước vĩ đại.

 Lễ hội Đền Độc Cước – Sầm Sơn

Ở thế phong thuỷ “đầu gối Sơn, chân đạp Thuỷ”, đền Độc Cước – Sầm Sơn được xem là Tối Linh Từ hàng bậc nhất của xứ Thanh, bạn hãy trải nghiệm điều đó qua kỳ tế lễ mỗi khi đón chào một mùa hè mới .

lễ hội đền độc cước

Lễ hội đền Độc Cước Sầm Sơn

Lễ hội đền Độc Cước diễn ra quanh năm với nhiều kỳ tế khác nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn là kỳ tế Cầu Mưa mà người xứ Thanh thường gọi là Lễ hội bánh Chưng – bánh Dày.

Diễn ra vào ngày 12/5 âm lịch hàng năm. Trong hơi nắng, gió mặn mòi của biển cả, lễ hội quy tụ đông đảo ngư dân địa phương và các vùng lân cận cùng du khách muôn phương về tham dự. Đây là một lễ hội đông vui, hoành tráng nhất trong năm của Lễ hội đền Độc Cước. Âm hưởng chủ đạo của phần lễ là nguyện cầu các bậc thần linh phù hộ cho ngư dân một mùa đánh bắt được nhiều cá tôm, nhân khang, vật thịnh.

Sôi động và hấp dẫn nhất là phần hội với cuộc thi làm bánh Chưng, bánh Dày độc đáo. Tại đây du khách sẽ chứng kiến tài nghệ của nhiều thí sinh đến từ các làng biển trong vùng. Nhanh mắt, dẻo tay, già, trẻ, trai, gái cùng nhau trổ tài làm ra nhiều chiếc bánh Dày, bánh Chưng cỡ lớn bằng chiếc nia con vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Ban tổ chức cùng bình phẩm chọn ra những cặp bánh xuất sắc nhất rước lên kiệu đưa về tế thần Độc Cước, còn du khách không khỏi hoan hỉ khi được hưởng lộc bánh ngon cùng người dân biển thân thiện và khấp khởi niềm hy vọng về một năm may mắn, tốt lành!

 Hội Bơi vùng Cửa Biển Lạch Bạng – Tĩnh Gia

      Tĩnh Gia, một địa danh nổi tiếng với bãi tắm Hải Hoà yên tĩnh, với nhiều điểm đến du lịch mang giá trị lịch sử, văn hoá như đền thờ Quang Trung; Nhà thờ Ba Làng; Giếng Cổ Mỵ Châu- Trọng Thuỷ; làng nghề nước mắm Do Xuyên…và  ngày càng trở thành một điểm dừng chân khá hấp dẫn nhiều du khách với bến cảng Nghi Sơn – một trong những trung tâm giao lưu và phát triển kinh tế điển hình của xứ Thanh. Trong sắc màu Công nghiệp, du khách vẫn có cơ hội để cảm nhận những giá trị văn hoá truyền thống hàng ngàn năm tuổi của cư dân vùng biển nơi này qua mùa Hội Bơi Cửa Biển Lạch Bạng.

lễ hội lạch bạng

hội boi Lạch Bạng

Theo lệ cũ, Hội được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới để làm đẹp lòng các vị thần sông biển, cầu mong một mùa ra khơi vào lộng xuôi chèo mát mái. Đó cũng là dịp để luyện sức rèn tài cho ngư dân làm nghề chài lưới quanh năm bốn mùa làm bạn với sóng cả. Những năm gần đây, hội được tổ chức vào ngày tết độc lập 2/9, thu hút ngư dân của các làng Khánh Trạch, Do Xuyên, Như Áng, Bộ Đầu, Du Độ đua tài. Các thuyền đua trong trang phục khác nhau để phân biệt thuyền của mỗi giáp. Mỗi bên mạn thuyền đua có từ 8 đến 9 trai bơi ăn mặc đồng màu theo y phục của người cầm lái.Theo quy định của làng, nếu trai bơi nào uống rượu trước giờ xuất phát sẽ bị tước quyền tham dự. Cuộc đua diễn ra dọc theo bờ biển có chiều dài 2km. Những chiếc thuyền đua tựa hình con Hà Mã đựợc ngư dân 5 làng chuẩn bị công phu từ trước đó hàng tháng đợi đến ngày hội bơi dập dềnh theo sóng nước đón chờ phút giây cờ phất, trống dong để lướt sóng đua tài về đích giật giải.

Ngày Hội bơi trên bến, dưới thuyền, nhân dân và du khách muôn phương đổ về xem hội, kẻ đứng, người ngồi nêm chật hai bên bờ, hò reo cổ vũ cho những mái chèo quạt nước, cưỡi sóng, xô nước để cầu thuỷ thần che chở cho ngư dân một mùa biển lặng lưới chài đầy khoang!

Lễ hội Cầu Ngư làng Diêm Phố – Hậu Lộc

lễ hội cầu ngư

lễ hội cầu ngư làng Diêm Phố

Nổi tiếng ở xứ Cồn Bò cạnh cửa biển Linh Trường, Lễ hội Cầu Ngư đậm đà bản sắc văn hoá vùng biển, thu hút được đông đảo ngư dân trong vùng và các vùng lân cận về hành lễ vui hội. Phần lễ diễn ra theo nghi thức tế truyền thống nhằm tạ ơn Tứ Vị Thánh Nương và cầu các thần linh biển phù hộ che chở cho ngư dân một cuộc sống quốc thái, dân an; một mùa ra khơi vào lộng mưa hoà gió thuận, cá tôm đầy thuyền. Ấn tượng nhất là nghi thức hạ thuỷ truyền thống với lễ rước thuyền Long Châu, lễ khấn các Chư vị thần linh được cử hành vào giờ hoàng đạo. Phần hội diễn ra cũng không kém phần hấp dẫn, sôi động. Suốt trong 4 ngày diễn ra lễ hội từ ngày 21 đến 24 tháng hai âm lịch du khách sẽ được hoà mình vào không gian văn hoá dân gian với các trò chơi, trò diễn có từ xa xưa trong cộng đồng làng xã như đua thuyền, đánh tùm, hát ghẹo… cùng ngư dân làng Diêm Phố hy vọng về những điều may mắn tốt lành trong cuộc sống.

You may also like...